fbpx
Get social with us!
ĐAU THẦN KINH TỌA DO VIÊM CƠ

ĐAU THẦN KINH TỌA DO VIÊM CƠ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH ĐAU CƠ PIRIFORMIS

Đau cơ Piriformis là một bệnh lý có biểu hiện đau vùng mông và lưng dưới tương tự như đau thần kinh tọa và đau thắt lưng nhưng về bản chất thì hoàn toàn khác nhau. Vậy làm sao để nhận biết được đau cơ Piriformis và cách chữa trị ra sao, mời quý độc giả cùng tham khảo những thông tin sau đây của chúng tôi.

Đau cơ Piriformis là gì?

Piriformis còn gọi là cơ hình lê hay cơ tháp là một cơ hình dẹt, hình lê (hay hình tháp) nằm xiên ở mông, cạnh bờ trên của khớp háng. Cơ hình lê giúp cố định khớp háng, nâng và xoay đùi nên có vai trò quan trọng trong việc vận động phần dưới cơ thể. Nhờ cơ hình lê, cơ thể mới có thể bước đi, nâng trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân khác và duy trì sự cân bằng cơ thể.

Đau cơ Piriformis còn gọi là hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp là một rối loạn thần kinh cơ do cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa.

Tại sao bị đau đau cơ Piriformis?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng cơ hình lê như cơ hình lê bị phì đại, có cơ hình lê phụ, hẹp lỗ bịt, co thắt cơ hình lê (hay gặp ở vận động viên), cột sống bị căng ưỡn ra trước, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm vùng cơ hình lê, các chèn ép từ bên ngoài mà thường thấy nhất là bị cấn ví tiền vào ngay vị trí cơ hình lê…

Ai thường hay bị đau cơ Piriformis?

Hội chứng đau cơ hình lê rất hiếm xảy ra và nó cũng không bỏ qua bất kỳ đối tượng nào. Nhưng phổ biến nhất là ở vận động viên, những người vận động mạnh hoặc sai tư thế, bệnh nhân bại não…

Biểu hiện của bệnh đau cơ Piriformis

Đau cơ hình lê thường biểu hiện bằng những cơn đau, ngứa ran hoặc tê ở mông. Trường hợp nặng có thể lan theo chiều dài của thần kinh tọa, gọi là đau thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể, bắt đầu từ phần dưới thắt lưng đi qua bờ dưới cơ hình lê, xuống mặt sau của chân rồi chia thành các dây thần kinh nhỏ kéo dài đến tận ngón chân. Cơ hình lê co thắt có thể gây chèn ép dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, quý bệnh nhân cần phân biệt rõ là đa số các trường hợp đau dây thần kinh tọa thường không phải là đau cơ hình lê.

Hội chứng đau cơ hình lê có thể nặng khi gấp và xoay trong khớp háng, ngồi lâu, đi bộ, chạy hoặc leo cầu thang; và nhẹ đau khi bệnh nhân đứng với bàn chân xoay ra ngoài vì lúc này cơ hình lê giảm đè ép lên dây thần kinh tọa.

Cần tránh gì khi bị đau cơ Piriformis?

Khi bị đau cơ hình lê, bệnh nhân phải hạn chế vận động, nhất là leo cầu thang. Cùng với đó, phải có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để bệnh không nặng thêm.

Hiện nay, không có xét nghiệm chẩn đoán chắc chắc về hội chứng đau cơ hình lê. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ chẩn đoán dựa theo bệnh sử của bệnh nhân, lời khai của bệnh nhân về các triệu chứng và sự thăm khám có sử dụng một loạt các động tác gây đau do căng cơ hình lê và kích thích vào dây thần kinh tọa. Đồng thời, tiến hành các chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, siêu âm và điện cơ đồ. Trong đó, cộng hưởng từ hình ảnh thần kinh được xem là phương pháp tối ưu nhất có thể cho thấy sự hiện diện của kích thích dây thần kinh tọa ở ngang vị trí khuyết mẻ hông to, nơi mà dây thần kinh tọa đi qua bên dưới cơ quả lê.

Phương pháp chữa trị đau cơ Piriformis

Cơ hình lê là một hội chứng nguy hiểm và phức tạp, do đó để khôi phục được chức năng vận động, bệnh nhân phải kết hợp nhiều biện pháp chữa trị như: sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, thực hiện các bài tập kéo căng giãn cơ hình lê đồng thời tránh các động tác làm căng cơ này như gấp xoay trong khớp háng. Trường hợp nặng, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật giải phóng thần kinh tọa khỏi sự chèn ép của cơ hình lê.

Làm gì để phòng tránh hội chứng cơ hình lê?

Vì hội chứng đau cơ hình lê chủ yếu xảy ra ở những người vận động mạnh hoặc vận động gây mỏi ở cơ hình lê nhiều lần như chạy, đá. Do đó, để phòng ngừa hội chứng cơ hình lê, mọi người cần vận động phù hợp, tránh chấn thương vùng lưng dưới/mông. Những bệnh nhân đã từng có tiền sử bị hội chứng cơ hình lê cần tuân thủ chương trình phục hồi theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khi có bất kỳ biểu hiện đau nào ở vùng lưng dưới/mông, người bệnh cần ngừng hoạt động và nghỉ ngơi cho đến khi giảm đau. Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp phục hội tại nhà như chườm túi lạnh… Nếu tình trạng đau không giảm, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.