fbpx
Get social with us!
BỆNH GOUT (GÚT): CĂN BỆNH CỦA THỜI ĐẠI

BỆNH GOUT (GÚT): CĂN BỆNH CỦA THỜI ĐẠI

Ngày nay, ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, điều kiện về dinh dưỡng được cải thiện hơn rất nhiều. Cùng với sự phát triển đó, khẩu phần ăn cũng dần thay đổi, lượng thịt tăng lên lượng rau giảm xuống sản sinh ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh gút. Vậy do đâu mắc bệnh gút và cách phòng tránh như thế nào?

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút tên tiếng anh là gout, giới đông y gọi là thống phong là một bệnh với những cơn viêm khớp xương tái diễn cấp tính do sự kết đọng của tinh thể muối urat trong khớp xương. Khớp xương hay bị bệnh gút nhất là khớp bàn ngón chân cái.

Vậy nguyên nhân của bệnh từ đâu?

Có thể nói nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gút là sự lắng đọng vi tinh thể muối urate natri tại các cơ quan trong cơ thể như: tại các khớp, tại tim, tại thận,… Bệnh gút có 2 dạng đó là gút nguyên phát và gút thứ phát.

Bệnh gút nguyên phát: có nguyên nhân bắt nguồn từ cơ địa hoặc di truyền từ cha mẹ. Những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng axit uric. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gút.

Bệnh gút thứ phát:  Ngoài nguyên nhân di truyền hay cơ địa, lượng axit uric trong máu có thể tăng do 1 số nguyên do quá trình sinh hoạt hằng ngày, nguyên nhân này đang chiếm tỉ lệ ngày càng tăng trong những nguyên nhân gây ra bệnh.

– Khi bệnh nhân tiêu thụ qua nhiều các loại thức ăn như gan, lòng, thịt, cá, tôm, cua.., uống nhiều rượu, bia. Những loại thực phẩm nước uống này khi vào cơ thể tác động làm tăng axit uric gây bệnh.

– Khi bệnh nhân có các bệnh lý huyết học như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đau tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính.

– Và các bệnh nhân bị viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải axit uric giảm và ứ lại gây bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh gút cao nhất?

Ngoài những người đã bị di truyền thì  hiện nay đa số người mắc bệnh này là nam giới ở độ tuổi từ 30 trở lên và có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do nam giới có lối sống không hợp lý, chế độ ăn nhiều chất đạm, giàu purin, thuốc lá… Đặc biệt những người có thói quen uống rượu bia không kiểm soát sẽ dễ bị bệnh gút nhất… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có tới 75- 84% bệnh nhân Gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm. Ngoài ra, người bị béo phì, thừa cân, thì bị tăng nguy cơ mắc bệnh gút gấp 5 lần bệnh nhân không bị béo phì.

Biểu hiện của bệnh ra sao?

Với số người mắc bệnh gút ngày càng gia tăng, việc nhận biết sớm các triệu chứng bệnh gút sẽ giúp chúng ta có phương pháp điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Biểu hiện thường gặp là sưng ngón chân cái

Bệnh gút có 2 giai đoạn với các triệu chứng khác như, đó là:

* Bệnh gút ở giai đoạn đầu

– Xuất hiện những đợt viêm khớp cấp với biểu hiện nóng, sưng mềm và đau ở một số khớp, đặc biệt là ngón chân cái.

– Đau kéo dài nhiều giờ, đặc biệt vào ban đêm gây mất ngủ.

– Người bệnh sẽ bị bong tróc da, ngứa, đau ở xung quanh khớp bị đau. Hầu hết, vùng da quanh các khớp này thường bị tím đỏ như nhiễm trùng. Xuất hiện các u cục nổi trên các khớp hoặc xung quanh khớp hay ở vành tai.

– Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu như sốt, lạnh run và khó khăn trong việc cử động cơ thể.

* Bệnh gút ở giai đoạn muộn

– Người bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có những cơn đau khớp xảy ra thường xuyên, kéo dài. Người bệnh gặp những cơn đau nhẹ trong vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên cũng có thể bị những cơn đau kinh khủng dai dẳng trong vài tuần hoặc đến vài tháng. Khoảng cách những cơn đau không rõ ràng, nhưng càng để bệnh lâu thì những cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn.

– Sưng túi dịch đệm và viêm nhiều khớp ở tay chân có thể đối xứng kèm theo nhiều cục u xuất hiện ở các khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay, ngón chân, bàn chân, mắc cá, đầu gối…

– Khi bệnh lâu ngày, các khớp có thể bị biến dạng, co cứng khó cử động hoặc teo cơ…

Biến chứng của bệnh gút như thế nào?

Khi bị mắc bệnh gút nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong. Các biến chứng cơ bản như sau:

– Tổn thương xương khớp: Đó là tình trạng hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân tàn phế. Các u cục bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết.

– Ảnh hưởng xấu đến thận và gây ra nhiều bệnh như sỏi thận, thận ứ nước ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Cách điều trị bệnh gút

Bệnh nhân gút cần tích cực hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị, ngăn ngừa biến chứng bệnh bằng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định. Các thuốc thường dùng điều trị bệnh gút là colchicin, allopurinol (zyloric), benemid, các thuốc chống viêm không steroid. Thường xuyên kiểm tra axit uric máu và niệu, chức năng hoạt động thận. Ngoài ra, nên điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Cách phòng bệnh ra sao?

Nhằm hạn chế khả năng mắc bệnh gút, những người có nguy cơ cao đặc biệt là nam giới trên 30 tuổi nên điều chỉnh khẩu phần ăn, cũng như sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số lời khuyên:

– Bổ sung nước : Nước giúp loại bỏ acid uric khỏi cơ thể, vì vậy cần tăng cường uống nước giúp phòng tránh được bệnh gút.

– Tăng cường thực phẩm chứa ít purine : Những loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại hạt, rau nhiều chất xơ là những thực phẩm có lượng purine thấp. Những thực phẩm này có tác dụng giảm nồng độ axit uric trong máu. Quả anh đào và quả mâm xôi được các chuyên gia khuyên nên dùng.

– Cần kiêng bia rượu và các chất kích thích như cà phê, ớt. Hạn chế dùng bia và các thức ăn nhiều đạm như thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản. Nên ăn nhiều hoa quả và rau; uống các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức và ăn uống quá mức, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc táo bón.