BỆNH CROHN VÀ PHONG THẤP
Crohn là một bệnh lý đường ruột khá nguy hiểm nhưng chưa được nhiều người biết đến và quan tâm đúng mức. Vậy Crohn là bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Mời quý độc giả cùng tham khảo những thông tin sau đây.
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là một bệnh viêm mãn tính của ruột, gây loét thành trong của ruột non, ruột già và có thể ảnh hưởng đến bất cứ nơi nào của hệ tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Crohn có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm loét đại tràng, cả hai bệnh này thường được gọi chung là bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD). Bệnh Crohn thường lây lan và đi sâu vào các lớp mô ruột làm cho bệnh nhân cảm thấy đau dớn, suy nhược cơ thể và có thể dẫn đến những biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng.
Bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1932 bởi tiến sĩ Burrill B. Crohn cùng hai đồng nghiệp là tiến sĩ Leon Ginxburg và tiến sĩ Gordon D. Oppenheimer.
Nguyên nhân của bệnh Crohn
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh Crohn. Tuy nhiên, các yếu tố sau đây bị nghi ngờ có liên quan chặt chẽ với việc hình thành cơ chế bệnh:
- Hệ miễn dịch: Ở những người có hệ thống miễn dịch bất thường, hệ miễn dịch có thể kích hoạt trong trường hợp không có bất kỳ yếu tố xâm hại nào, gây ra tình trạng viêm mãn tính và loét. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến bệnh Crohn.
- Tính di truyền: NOD2 là gen đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể phản ứng với một số sản phẩm do vi khuẩn. Theo các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học nghi ngờ rằng sự đột biến của gen này có thể dẫn đến bệnh Crohn và những người có quan hệ huyết thống với người bị bệnh Crohn có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.
Trước đây, các nhà khoa học cũng từng nghi ngờ rằng chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Cách sống, độc tố môi trường và thực phẩm là những nguyên nhân chính dẫn đến sự rối loạn đường tiêu hóa.
Ai thường bị bệnh Crohn?
Bệnh Crohn không bỏ qua bất kỳ đối tượng nào, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 16-30 và 60-80, chủ yếu ở nữ giới nhưng ở trẻ em lại xảy ra ở nam nhiều hơn.
Các thống kê cho biết, Mỹ có tới 500.000 người mắc bệnh Crohn, một con số khá lớn so với các bệnh lý đường ruột khác.
Biểu hiện của bệnh Crohn
Các triệu chứng của bệnh Crohn cũng giống như các bệnh đường ruột khác như:
- Chán ăn, sụt cân.
- Tiêu chảy dai dẳng.
- Đau bụng dưới và co thắt ruột.
- Viêm loét đường ruột.
- Táo bón.
- Chảy máu trực tràng.
- Có máu trong phân.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có một số biểu hiện khác như: sốt, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm, viêm khớp, viêm da hoặc mắt, viêm gan hoặc ống dẫn mật, phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt.
Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể phát triển dần dần (mạn tính) hoặc đột ngột (cấp tính) gây ra những cơn đau khiến sức khỏe và tinh thần người bệnh suy giảm trầm trọng.
Cần tránh gì khi bị bệnh Crohn
Trong quá trình điều trị bệnh Crohn nói riêng và các bệnh về đường ruột nói chung, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế các sản phẩm từ sữa và chất béo như bơ, nước sốt kem… vì chúng có thể gây tiêu chảy; hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau quả, hạt khô, bắp rang và ngũ cốc; tránh xa thức ăn quá chua, cay, nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, nước ngọt có gas và các thức uống chứa caffeine.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, khoảng 5-6 bữa để giúp dạ dạy tiêu hóa tốt hơn. Đồng thời uống nhiều nước để cơ thể không bị suy kiệt.
Cách điều trị bệnh Crohn
Do chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh nên các phương pháp điều trị bệnh Crohn hiện nay cũng chỉ giúp giảm các triệu chứng, kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Tùy theo vị trí tổn thương và tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Một số trường hợp nặng có thể phẫu thuật nhưng bệnh vẫn có thể tái phát lại.
Các triệu chứng của bệnh Crohn khá đa dạng và dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường ruột khác. Thay đổi lối sống và dinh dưỡng là những điều cần thiết nhất để giúp cơ thể phục hồi. Bạn cần được tư vấn ngay về phương pháp tốt nhất đối với chứng bệnh của bạn.